Lượt xem: 1810
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - huyện Cù Lao Dung
        Sóc Trăng được biết đến là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và thu hút du khách bởi các tour du lịch tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài việc viếng các chùa: chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Khleang…du khách quan tâm tìm hiểu truyền thống lịch sử, đi tour về nguồn thường dành thời gian viếng thăm đền thờ Bác Hồ tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ 19/5, đồng bào các dân tộc Kinh– Khmer- Hoa tỉnh Sóc Trăngcùngkhách du lịch lại nô nức về tham gia dự lễ dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi đây. Một vinh dự lớn đến với Đảng, quân và dân huyện Long Phú (nay là huyện Cù Lao Dung), ngày 28/12/2001 Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích Lưu niệm Danh nhân cấp quốc gia (là 1 trong 8 di tích cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng).

        Từ thành phố Sóc Trăng đến đền thờ Bác, du khách có thể đi bằng hai con đường chính, theo đường tỉnh lộ 933 xuống huyện Long Phú khoảng 18 km thì tới thị trấn Long Phú, tiếp tục theo trục lộ giao thông ra Vàm Cống, ấp I thị trấn Long Phú, qua phà Đại Ân đi khoảng 8km là tới Đền thờ; hoặc theo Quốc lộ 60 đến Đại Ngãi, qua phà An Thạnh Nhất, theo tỉnh lộ 933B đi khoảng 20 km là tới.

        Người dân nơi đây vẫn luôn hướng về Bác với những tình cảm yêu quý, kính trọng. Về Cù Lao Dung những hình ảnh đầu tiên hiện lên trước mắt là ngôi Đền thờ Bác Hồ được xây dựng khang trang, mang đậm nét văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.Khicuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta đang diễn ra quyết liệt thì một tin buồn to tát ập tới: Bác Hồ, vị cha già dân tộc Việt Nam lâm bệnh và đột ngột qua đời vào ngày 2/9/1969. Đối với toàn dân tộc và nhân dân cả nước nói chung, vùng sông nước cù lao kháng chiến nói riêng thì đây là một mất mát, đau thương không tả xiết. Ngay sau khi nhận được tin buồn, Huyện ủy, Mặt trận giải phóng dân tộc huyện Long Phú cùng dân quân cù lao (lúc này Cù lao Dung được chia thành 4 xã trực thuộc huyện Long Phú) đã tổ chức ngay lễ truy điệu Hồ Chủ Tịch để chịu tang người. Trước hàng ngàn cán bộ quân dân, đồng chí Bí Thư huyện ủy đọc bài điếu văn nhắc nhở công ơn trời biển của Bác và mọi người cùng tuyên thề sẽ biến đau thương mất mát thành hành động cách mạng. Sau đó trong nhân dân đã có hàng trăm kiến nghị với lãnh đạo huyện, xã, cho lập ngay đền thờ Bác trên mảnh đất Cù lao Dung để ngày đêm bà con có nơi phụng thờ, tưởng nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu.

        Với lòng quyết tâm cao độ, Đảng bộ và quân dân các xã cù lao đã tích cực vận động quyên góp nhân lực, vật lực để đến ngày 03/2/1970, nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng công trình được khởi công với nhóm thợ mộc gồm các ông: Phùng Văn Lợi, Trần Văn Hận, Phạm Ngọc Nâu, Huỳnh Hữu Lộc, Lý Văn Trông, Hồng Văn Hiệp....


Đền thờ Bác

        Để công việc xây dựng đền thờ Bác không gặp trở ngại do các cuộc càn quét đánh phá của địch, những ngày bắt đầu thi công, Huyện đội tập trung du kích các xã cù lao về phối hợp một bộ phận địa phương quân huyện xuống bao vây phân chi khu Rạch Tráng. Tuy nhiên, do máy bay, tàu chiến liên tục đánh phá nên các tay thợ phải khẩn trương làm vào buổi chiều tối và ban đêm. Có lần máy bay ném bom vừa xong, anh em từ dưới hầm ngoi lên cứ để mình mẩy bùn sình mà làm. Ngay thời điểm thi công này ta phát hiện căn nhà của một địa chủ chạy ra vùng địch còn bỏ lại ta sử dụng một số gỗ, cột kèo còn dùng được để làm. Ngoài ra, các vật liệu như đước, tràm, tre, lá được anh chị em thanh niên đốn đẽo, gọt, chằm sẵn ở nhà chở lại để vừa nhanh vừa không tập trung đông người.

        Sau gần ba tháng công trình hoàn thành. Đến ngày 19/5/1970 nhân kỷ niệm 80 năm sinh nhật Bác hàng ngàn người dân và cán bộ tỉnh, huyện, xã nô nức tập trung về dự lễ khánh thành Đền thờ Bác bất chấp mọi nguy hiểm do bom đạn pháo thù của địch. Ngôi Đền hoàn thành với sự đóng góp của nhân dân các xã cù lao và cả phần tiền của nhân dân các xã thị trấn vùng đất liền Long Phú.

        Trải qua nhiều lần tôn tạo, sửa chữa, nhất là trong đợt xây dựng mới vào năm 2009, khu vực Đền thờ Bác được quy hoạch mở rộng gồm nhiều hạng mục như: Đền thờ chính nơi đặt chân dung Bác, nhà truyền thống trưng bày các hiện vật lịch sử, sân lễ, cổng chào, công viên cây xanh, …với kinh phí khoảng 16 tỷ đồng.

        Trải qua nhiều lần tôn tạo, sửa chữa, nhất là trong đợt xây dựng mới vào năm 2009, khu vực Đền thờ Bác được mở rộng theo quy hoạch gồm nhiều hạng mục như: Đền thờ chính nơi đặt chân dung Bác, nhà truyền thống trưng bày các hiện vật lịch sử, sân lễ, cổng chào, công viên cây xanh,…với kinh phí khoảng 16 tỷ đồng và sẽ đưa vào sử dụng phục vụ du khách. Hàng năm, đông đảo nhân dân và các đoàn thể trong và ngoài tỉnh lần lượt tổ chức các cuộc tham quan về nguồn đến Đền thờ Bác để ôn lại cuộc đời sự nghiệp và công lao to lớn mà Bác, đã đem đến cho dân tộc Việt Nam ngày nay được hưởng một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Thế hệ trẻ trong  ngoài tỉnh về viếng Đền thờ Bác có dịp nghiên cứu, tìm hiểu và học tập noi theo tấm gương cao cả của Người để ngày càng đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công cuộc đổi mới và xây dựng phát triển đất nước.
Trung tâm TTXTDL tỉnh Sóc Trăng

 

 

video
  • LỄ HỘI CỦA ĐỒNG BÀO KHMER NAM BỘ (11/12/2024)
  • Liên hoan đờn ca tài tử (20/11/2024)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 1129
  • Trong tuần: 6 532
  • Tất cả: 1231528
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.